Ca sĩ Thái Thanh
Thái Thanh tên thật là Phạm Thị Băng Thanh, một nữ ca sĩ gốc Việt, được biết đến nhiều nhất với nghệ danh Thái Thanh và danh hiệu "Tiếng hát vượt thời gian". Là ca sĩ nổi tiếng, được xem như một trong những giọng ca tiêu biểu nhất của tân nhạc Việt Nam. Bà đi hát từ thuở thiếu niên trong ban hợp ca Thăng Long của gia đình tại các tụ điểm văn nghệ ở Hà Nội, và thành danh từ thập niên 1950. Tên tuổi của bà gắn liền với các ca khúc của nhạc sĩ Phạm Duy và dòng nhạc tiền chiến cũng như nhạc tình miền Nam trước 1975. Bà không theo học một lớp nhạc chuyên nghiệp nào, chỉ tự luyện giọng từ nhỏ theo các lối dân ca của đồng bằng Bắc Bộ, về sau đã tạo ra một trường phái riêng hòa trộn giữa tính chất opera Tây Phương với dân nhạc Việt Nam, ảnh hưởng tới nhiều nữ ca sĩ giọng cao của thế hệ sau như Mai Hương, Quỳnh Giao, Ánh Tuyết...Sau 30/4/1975 bà ở lại Việt Nam cho đến năm 1985 thì chuyển sang định cư ở Hoa Kỳ. Tại đây bà tiếp tục trình diễn và thâu âm cho đến khi nói lời giải nghệ vào năm 2002.
Thân thế & Sự nghiệp
Thái Thanh (Phạm Thị Băng Thanh) sinh ngày 5/8/1934 tại Hà Nội trong một gia đình có truyền thống văn nghệ. Cha của bà là ông Phạm Đình Phụng, có 2 vợ, vợ trước sinh ra Phạm Đình Sỹ và Phạm Đình Viêm, vợ sau sinh ra Phạm Thị Quang Thái, Phạm Đình Chương và con út là Phạm Thị Băng Thanh.
Ca sĩ Thái Thanh lúc còn trẻ |
Bà bắt đầu sự nghiệp ca hát từ năm 13-14 tuổi. Bà sở hữu một giọng hát cũng như lối hát đặc biệt, mang tính chất opera nhưng chịu nhiều ảnh hưởng của Chầu văn, quan họ, chèo là những bộ môn nghệ thuật được bà tự rèn luyện, học tập từ thuở nhỏ tại quê hương miền Bắc. Do lúc đó Việt Nam chưa có trường âm nhạc, bà tự học nhạc bằng cách đặt mua các sách luyện thanh bằng tiếng Pháp từ Pháp. Giọng hát của bà có âm vực rộng, nằm giữa nữ trung và nữ cao, nên thể loại nhạc bà hát cũng rất đa dạng, phong phú.
Thời kỳ đầu, bà đi hát theo chị là ca sĩ Thái Hằng ở các chiến khu Việt Minh với các bài tân nhạc thời kỳ đầu, hay các bài dân ca mới của Phạm Duy. Đến năm 1951, bà chính thức lấy nghệ danh Thái Thanh cho giống người chị Thái Hằng.
Thái Thanh trở thành em vợ của nhạc sĩ Phạm Duy sau khi ông này lấy Thái Hằng làm vợ, nên cũng là dì của các ca sĩ Duy Quang, Thái Hiền, Thái Thảo sau này. Ngoài ra bà còn là cô ruột của ca sĩ Mai Hương, con gái Phạm Đình Sỹ và kịch sĩ Kiều Hạnh.
Năm 1956, Thái Thanh kết hôn với tài tử Lê Quỳnh tại Sài Gòn. Bà sống ở khu vực gần chợ Thái Bình. Thái Thanh có với tài tử Lê Quỳnh 5 người con: con cả là Lê Thị Ý Lan sinh năm 1957, Lê Xuân Việt sinh năm 1958, Lê Thị Quỳnh Dao sinh năm 1960, Lê Thị Thanh Loan sinh năm 1962 và Lê Đại sinh năm 1964. Trong số đó, Lê Thị Ý Lan sau này trở thành ca sĩ nổi tiếng Ý Lan, còn Lê Thị Quỳnh Dao cũng đi hát với nghệ danh Quỳnh Hương. Các cháu ngoại của bà cũng có nhiều người đi theo con đường ca hát như Mai Linh, Ý Thi, Thanh Hương, Quỳnh Trang.
Thái Thanh thật sự nổi tiếng trong thập niên 1950, được rất nhiều giới yêu thích từ giới trí thức cho tới bình dân. Bà được coi như một diva tầm cỡ nhất của Việt Nam thời đó. Tiếng hát của bà ngự trị trên khắp các chương trình ca nhạc truyền thanh, truyền hình của Việt Nam Cộng Hòa. Trong giai đoạn đầu thập niên 1970, bà cùng với ban hợp ca Thăng Long thường xuyên biểu diễn tại vũ trường ăn khách Đêm màu hồng.
Đến năm 1965 bà ly dị Lê Quỳnh sau khi đã có chung với nhau 3 con gái và 2 con trai. Sau biến cố 1975, bà ở lại Việt Nam cho đến năm 1985 thì sang Hoa Kỳ định cư.
Ca sĩ Thái Thanh, xưa và nay |
Năm 2002, bà chính thức tuyên bố giải nghệ sau một đêm diễn cùng với các con cháu. Tuy nhiên khoảng thời gian sau đó, thỉnh thoảng bà vẫn tham gia giọng hát của mình vào các đêm diễn với vai trò đặc biệt.
Năm 2005, một đêm nhạc thính phòng nhằm mang tên "Vinh danh Thái Thanh, tiếng hát vượt thời gian" được tổ chức tại Montreal, Canada, với sự tham gia của Thái Thanh cùng nhiều ca sĩ nổi tiếng của thế hệ sau như Tuấn Ngọc, Ý Lan, Trần Thu Hà,... Trong đêm nhạc này màn trình diễn của bà được đánh giá là xuất sắc, dù trước đó đã có nhiều nghi ngờ về tuổi tác, cũng như sức khỏe của bà. Năm 2006, bà trở lại là nhân vật chính trong đêm nhạc "Thái Thanh và ba thế hệ".
Đánh giá
Giọng ca Thái Thanh được giới nghiên cứu đánh giá cao, và cũng là đề tài ca ngợi của giới văn nghệ sĩ tại miền Nam trước 1975 và tại hải ngoại sau 1975. Nhạc sĩ Phạm Duy, người song hành với Thái Thanh trong phần lớn các ca khúc của mình, từng cho rằng không ai có thể thay thế được Thái Thanh trong sự diễn tả những sáng tác của ông.
Nhà văn Nguyễn Đình Toàn là tác giả của nhiều bài viết về Thái Thanh, phần lớn là những bài phát biểu cảm tưởng. Theo ông, trường hợp của Thái Thanh là một "trường hợp hãn hữu", và "Máu lửa, chiến tranh, bom đạn, chia cắt, người sống, người chết, nước mắt, mồ hôi, thấm nhập vào âm nhạc của chúng ta như thế nào, đều được phản ánh qua tiếng hát Thái Thanh."
Bên cạnh đó, nhiều nhà phê bình, văn nghệ sĩ cũng có những bài nhận định về Thái Thanh, những bài này thường mang tính ca ngợi, như Thái Thanh - tiếng hát trên trời của Thụy Khuê, Thái Thanh - tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi của Đỗ Việt Anh, Nụ tầm thanh của Hoàng Hải Thủy...Giọng hát Thái Thanh được nhà văn Mai Thảo tặng cho một biệt danh mà sau này thường được người ta nhắc đến, một cách trân trọng, bên nghệ danh của bà: Tiếng hát vượt thời gian.
Một số trích dẫn
“ Giọng hát Thái thanh, một giọng hát diễm tuyệt: tất cả hạnh phúc và khổ đau của kiếp người bị đày đọa trong chiến tranh và hòa bình, trong vinh quang và khổ nhục, trong hy vọng và tuyệt vọng qua những bản nhạc khóc, cười, nổi, trôi theo mệnh nước." (Phạm Duy).
“ Thái Thanh là một danh hiệu, nhưng như có ý nghĩa tiền định: bầu-trời-xanh-tiếng-hát. Hay tiếng hát xanh thắm màu trời. Tiếng hát long lanh đáy nước trong thơ Nguyễn Du, lơ lửng trời xanh ngắt trong vòm thu Yên Ðổ, tiếng hát sâu chót vót dưới đáy Tràng Giang Huy Cận, hay đẫm sương trăng, ngừng lưng trời trong không gian Xuân Diệu, tiếng hát cao như thông vút, buồn như liễu đến từ cõi thiên thai nào đó trong mộng tưởng Thế Lữ. ” (Thụy Khuê).
“ Tiếng hát vượt thời gian ” (Mai Thảo).
“ Tôi thấy được hết những hạch tuyến nơi cổ họng, những tế bào, những bộ phận lớn nhỏ đã phụ họa với nhau để phát ra những âm thanh trong, ấm, thanh tao và diệu kỳ kia. Tôi chưa gặp Thái Thanh lần nào cả, Steve ạ. Hãy nghĩ rằng cô trẻ, đẹp và đằm thắm như giọng hát của cô, và chỉ giữ lại từng đó thôi. Nếu ta nghiêng mình lệch đi một tý, bình diện với thời gian thay đổi, thì cô Thái Thanh đã ở bên kia tự bao giờ rồi, ví dụ năm ngàn năm về trước hoặc năm ngàn năm về sau. ” (Thích Nhất Hạnh).
“ Em hát cho vàng tan nát đá
Em hát cho anh biết ngậm ngùi ” (Hoàng Hải Thủy).
“ Sau khi nghe nàng hát, có khi chúng ta cảm thấy nơi chính mình một chút bâng khuâng, lúc bấy giờ có lẽ là niềm "nhớ nhung cõi trời", mà Beaudelaire đã nói, dù sao giọng hát Thái Thanh vẫn không phải là giọng u buồn. Giọng Thái Thanh là một giọng ca hoan lạc, giọng hát của hạnh phúc ca xướng, giọng hát của hạnh phúc nói chung. Hãy nghe nàng vào lúc cao hứng nhất, khi giọng hát của nàng vụt nở như một nụ cười hiền dịu hướng về cõi đời này, hãy chăm chú lắng nghe... Giọng hát Thái Thanh lúc đó qua từng nhịp thơ và từng nhịp nhạc, như chỉ muốn nói với ta có một lời. Lời nói tình yêu. ” (Georges Etienne Gauthier).
Băng đĩa (Trước 1975)
Khoảng cuối thập niên 1950 đến 1975, Thái Thanh thâu âm rất nhiều trên đĩa than 78 vòng, đĩa nhựa 45 vòng, băng reel của các hãng đĩa Việt Nam, Tân Thanh, Sóng Nhạc, Sơn Ca, Shotguns, Thanh Thúy, Phạm Mạnh Cương, Trường Sơn, Cỏ May, Continental, Premier, Diễm Ca, Song Ngọc, Nhật Trường, Trường Hải, Nghệ Thuật - Tâm Anh, Nhã Ca, Thương Ca, Trần Ngọc Đức, Bảo Thu, Thùy Dương, Hoàng Trọng, Siêu Âm, Mây Hồng.
01. Băng nhạc Thanh Thúy 7: Tiếng Hát Thái Thanh
02. Chương trình Nhạc Tuyển Selection 1: Tiếng Hát Thái Thanh (Hùng Sơn thực hiện)
03. Sơn Ca 10: Tiếng hát Thái Thanh và Ban hợp ca Thăng Long (1975, Nguyễn Văn Đông thực hiện)
04. Tơ Vàng 4: Thái Thanh - Tiếng Hát Vượt Thời Gian (1971)
05. Mây Hồng 6: Thái Thanh và Ban Thăng Long (Y Vân thực hiện)
06. Mười bài Đạo ca (1972, Phạm Duy thực hiện)
Pháp Thân
Đại Nguyện
Chàng Dũng Sĩ và Con Ngựa Vàng
Một Cành Mai
Lời Ru Bú Bớm Nâng Niu
Qua Suối Mây Hồng
Giọt Chuông Cam Lộ
Chấp Tay Họa
Tâm Xuân
Phát hành sau 1975
07. Shotguns 10: Tiếng hát Thái Thanh (1980)
08. CDs sưu tập lại các bả ghi âm cũ của các Băng nhạc sản xuất trước 1975 bởi Trung tâm Hương Xưa.
11. Ngày xưa Hoàng Thị (1986)
12. Quê hương và kỷ niệm (1987)
13. Đêm màu hồng (1988). Thái Thanh, Ý Lan, Thanh Loan, Quỳnh Hương, Lê Đại
14. Chiều về trên sông (1988)
15. Đêm nhớ trăng Sài Gòn (1990)
16. Hội trùng dương (1993)
17. Dòng thời gian - Thái Thanh và 3 thế hệ (2004).
Tham khảo: Wiki
0 nhận xét: