8/9/13

Ca sĩ Duy Khánh

Duy Khánh là một nam ca sĩ, nhạc sĩ  người Việt. Ông nổi danh từ thập niên 1960, ban đầu với những bài hát mang âm hưởng dân ca và "dân ca mới" của nhạc sĩ Phạm Duy, nhạc về quê hương, về sau ông được xem như là một trong bốn giọng nam nổi tiếng nhất của nhạc vàng thời kỳ đầu ("tứ trụ nhạc vàng"), ba người còn lại là: Nhật Trường, Hùng Cường, Chế Linh . Ông còn được biết đến như một nhạc sĩ tài năng với hơn 30 ca khúc, nổi tiếng phải kể đến Thương về miền Trung, Lối về đất mẹ, Ai ra xứ Huế, Xin anh giữ trọn tình quê...

Thân thế & Sự nghiệp
Duy Khánh (sinh năm 1936, mất 2003), tên thật Nguyễn Văn Diệp, còn có nghệ danh Tăng Hồng, Hoàng Thanh, quê tại Làng An Cư - Xã Triệu Phước - Huyện Triệu Phong - Quảng Trị., là con áp út trong một gia đình vọng tộc gốc thuộc dòng dõi Quận công Nguyễn Văn Tường, Phụ chánh đại thần triều Nguyễn. Dòng họ Nguyễn này có người là vợ của Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm.

Duy khánh đã lớn lên trong một nền giáo dục cổ truyền nặng ảnh hưởng Nho và Phật giáo. Thân sinh ông là cụ Nguyễn Văn Triển, từng dạy học trước khi làm Trưởng phòng Hành chánh tỉnh QT. Cụ Triển (thường được biết dưới tên ông Trợ Triển) lại là Hội trưởng hội Phật giáo tại tỉnh nhà, từng là dân biểu thời đệ nhị công hoà, có nhiều uy tín lớn trong tỉnh. Thân mẫu Duy Khánh là con gái của cụ Thị Lang bộ Công Ðỗ Văn Diêu, chánh quán làng Ðâu Kênh, Triệu Phong, là một phụ nữ mẫu mực, nghiêm khắc. Gia đình Duy Khánh có 6 anh chị em, ba trai, ba gái, hiện nay chỉ còn một anh cả và một chị đầu còn sống tại Pháp và Canada.

Sau khi đỗ tiểu học năm 1949, Duy Khánh, cũng như các con nhà giàu quyền thế trong tỉnh, đã được cha mẹ cho vào Huế để học chương trình Trung học. Vì lúc bấy giờ, tại Quảng trị chưa có trường Trung học. Chính tại cố đô trầm mặc này, Duy Khánh đã tìm cho mình con đường tiến thân đúng với khả năng thiên phú của mình. Tưởng cũng cần nhắc lại một chi tiết nhỏ: trong một dịp nghỉ hè năm 1952, Duy Khánh đã về Quảng Trị tổ chức nhạc hội tại chùa Tỉnh Hội. Anh diễn và hát bài Nhớ Người Thương Binh của Phạm Duy, trong đó có câu: “Chàng về nay đã cụt cụt tay.” Duy Khánh đã sửa lại: “Chàng về nay đã cụt chân,” và nhảy cò cò trên sân khấu. Duy Khánh, khi đó lấy biệt hiệu là Tăng Hồng, đã lần vào Saigon tham gia các chương trình phụ diễn tân nhạc trong các rạp chiếu bóng ông hát song ca với nữ ca sĩ Tuyết Mai những bài ca rất đậm tình quê hương. Trong một chương trình phụ diễn tại rạp Thanh Bình, trên đường Phạm Ngũ Lão, cạnh chợ Hoà Bình, ông đã tiếp xúc lần đầu với nhạc sĩ Phạm Duy.
Ca sĩ, nhạc sĩ Duy Khánh (Khoảng 1975 - 2003)
Năm 1952, Duy Khánh đoạt giải nhất cuộc thi tuyển lựa ca sĩ của đài Pháp Á tại Huế với bài hát Trăng thanh bình. Sau đó ông chuyển vào Sài Gòn để theo đuổi nghề ca hát.

Vào Sài Gòn, ông bắt đầu ghi âm đĩa nhựa và đi diễn khắp nơi, dần nổi tiếng với tên Hoàng Thanh. Ông trở thành một trong ba giọng nam được yêu thích nhất, cùng với Duy Trác, Anh Ngọc. Thời kỳ này tên tuổi của ông gắn liền với những bài có âm hưởng dân ca và "dân ca mới" của Phạm Duy như: Vợ chồng quê, Ngày trở về, Nhớ người thương binh, Tình nghèo, Quê nghèo, Về miền trung...

Cuối cùng ông chọn tên Duy Khánh. Chữ "Duy" từ tên nhạc sĩ Phạm Duy là người anh ái mộ. Chữ "Khánh" từ tên một người bạn rất thân Phạm Hữu Khánh. 

Năm 1959 ông bắt đầu viết nhạc, nhạc ông thường nói về tình yêu quê hương, mang hơi dân ca xứ Huế và được đón nhận nồng nhiệt, ngay từ hai sáng tác đầu tay: Ai ra xứ huế, Thương về miền trung. Ngoài ra, từ những năm cuối thập niên 1960 cho đến năm 1975, Duy Khánh còn lập nhóm chủ trương xuất bản tờ nhạc mang tên 1001 Bài Ca Hay quy tụ được nhiều tác phẩm của các nhạc sĩ như Trịnh Lâm Ngân, Đỗ Kim Bảng, Duy Khánh, Trúc Phương... Tờ nhạc do nhóm xuất bản được giới mộ nhạc đánh giá cao vì in ronéo bản đẹp và minh họa công phu do chính Duy Khánh chỉ đạo thực hiện.

Năm 1964 ông thành hôn với Âu Phùng, một phụ nữ gốc Hoa, sinh ra 2 người con. Về sau hai người đã ly dị.

Năm 1965, ông cùng với nữ danh ca Thái Thanh thu thanh bản trường ca Con đường cái quan của Phạm Duy. Sau đó cả hai người cùng hát trường ca Mẹ Việt Nam. Cho đến nay, hai bản trường ca này vẫn gắn liền với giọng hát Thái Thanh, Duy Khánh. Ông giữ tên Duy Khánh cho đến cuối đời

Sau sự kiện 30 /04/1975, ông ở lại Việt Nam, ông bị cấm hát một thời gian dài, sau đó thành lập đoàn nhạc Quê Hương, quy tụ các nhạc sĩ Châu Kỳ, Nhật Ngân, các ca sĩ Ngọc Minh, Nhã Phương, Bảo Yến... Sau khi sang Mỹ vào năm 1988, ông hát độc quyền cho trung tâm Làng Văn, sau đó tách ra, thành lập trung tâm Trường Sơn.

Năm 1988,  Duy Khánh được bảo lãnh sang Hoa Kỳ, tại đây ông tiếp tục ca hát và sáng tác.“Tôi sinh ra giữa lòng miền Trung, miền thùy dương, ruộng hoang nước mặn đồng chua; thôn xóm tôi sống đòi dân cày” (Tình Ca Quê Hương). Ông đã nói chuyện, tiếp xúc báo giới, truyền thanh truyền hình với một giọng nói hoàn toàn Quảng Trị dù đã sống xa quê hàng 50 năm dài trên các thành phố, thủ đô miền Nam, hay trên mảnh đất Hoa Kỳ.

Ông mất vào 12 giờ trưa ngày 12 /02 /2003 tại bệnh viện Fountain Valley, Quận Cam, California, thọ 68 tuổi.

Nhận xét
Nhạc sĩ Phạm Duy đã phát biểu trong ngày đưa tiễn ông về bên kia thế giới: “Trong giọng ca Duy Khánh, nghe âm hưởng tiếng trống cổ thành, tiếng thông reo trên đồi Vọng Cảnh”.

Sáng tác của Duy Khánh
01. Ai ra xứ Huế (1964)[4]
02. Anh lên rừng núi cao nguyên
03. Anh về một chiều mưa (1964)[5]
04. Bao giờ em quên (1963)
05. Biết trả lời sao (1965)
06. Chuyện buồn ngày xưa (1962)
07. Đâu bóng người xưa (1961)
08. Đêm bơ vơ
09. Đêm nao trăng sáng (1959)
10. Điệu buồn chia xa
11. Đi từ đồng ruộng bao la
12. Đường trần lá đổ
13. Giã từ Đà Lạt (1964)
14. Hoài ca (1956)
15. Huế đẹp Huế thơ (1988)
16. Lối về đất mẹ (1966)
17. Màu tím hoa sim (1964)[6]
18. Một lần trong đời
19. Mưa bay trong đời (1966)
20. Mừng anh chiến sĩ
21. Mùa chia tay (1965)
22. Nỗi buồn 20 (1967)
23. Nỗi niềm riêng (1988)
24. Nén hương yêu (1964)[7]
25. Ngày tháng đợi chờ (1961)
26. Ngày xưa lên năm lên ba[8]
27. Người thương kẻ nhớ
28. Người anh giới tuyến (1968)
29. Sao không thấy anh về (1962)[9]
30. Sao đành bỏ quê hương (1979)
31. Sầu cố đô
32. Ta hát trên đỉnh đèo
33. Thư về em gái thành đô (1967)
34. Thương về miền Trung (1962)
35. Tình ca quê hương (1966)
36. Tình người đầu non
37. Trăm năm bến cũ (1967)
38. Trường cũ tình xưa (1969)
39. Vùng quê tương lai (1967)
40. Xin anh giữ trọn tình quê (1966)

Băng nhạc, CD
Trường Sơn 1: Hát giữa quê hương (1969)
Trường Sơn 2: Quê hương và tuổi trẻ (1970 hay 1971)
Trường Sơn 3: Người tình và quê hương (1971)
Trường Sơn 4: Ca khúc thịnh hành (1971)
Trường Sơn 5: Tình trong khói lửa
Trường Sơn 6: Quê hương và tuổi loạn (1972)
Trường Sơn 7: Quê hương, mùa trăng, mùa thu (1972)
Trường Sơn 8:
Cỏ May 1:
Cỏ May 2:
Cỏ May Xuân: 1973
Trường Sơn Nhạc tuyển
Tiếng hát DUY KHÁNH 1
Tiếng hát DUY KHÁNH 2
Tiếng hát DUY KHÁNH 3 (1975)
Trường Sơn Duy Khánh 1 : Quê hương ta (1990)
Trường Sơn Duy Khánh 2 : Tình đời, Tình bạn, Tình yêu (1990)
Trường Sơn Duy Khánh 3 : Lính và đời lính (1990)
Trường Sơn Duy Khánh 4 : Xa nguồn yêu thương
Trường Sơn Duy Khánh 5 : Sớm muộn tôi cũng về (1991)
Trường Sơn Duy Khánh 6 : Không chủ đề 1 (1991)
Trường Sơn Duy Khánh 7 : Mẹ trong lòng người đi (1991)
Trường Sơn Duy Khánh 8 : Vườn dâu xanh (1991)
Trường Sơn Duy Khánh 9 : Những chiều không có em (1991)
Trường Sơn Duy Khánh 10 : Những mảnh tình quê (1992)
Trường Sơn Duy Khánh 11 : Lời đầu năm cho con (1992)
Tổng hợp

0 nhận xét: